Lượt xem: 10650

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người

Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang đến gần, cũng là lúc các thế lực thù địch trong và ngoài nước đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực, bằng nhiều thủ đoạn thâm độc, vừa ngấm ngầm, tinh vi, xảo quyệt, vừa công khai trắng trợn; sử dụng tất cả các hình thức, biện pháp, lợi dụng tất cả các tình huống, các phương tiện, kỹ thuật mới để chống phá. Đặc biệt, chúng tập trung vào các thủ đoạn bôi đen hình ảnh, thành tựu đất nước, khoét sâu những hạn chế, thiếu sót của ta để “chính trị hóa” tác động, hướng lái, kêu gọi thúc đẩy “dân chủ đa nguyên” đòi đổi tên Đảng, tên nước, sửa Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp, cổ súy cái gọi là “xã hội dân sự”, thực hiện “cách mạng màu”; bôi nhọ hình ảnh các lãnh tụ của Đảng và nhân dân…, làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm mục tiêu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Trong đó chúng tập trung lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc, tôn giáo” để xuyên tạc, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, quyền con người. Vì vậy, việc nhận thức đầy đủ tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người là một trong những vũ khí quan trọng để chống lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay.

 


Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945) tại Quảng trường Ba Đình.

    Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, đề cập tới quyền con người là loại bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công; là quyền dân tộc tự quyết; là bình đẳng, ngang nhau trên mọi bình diện của xã hội, quốc tế. Như vậy, điều khẳng định rằng, muốn thực hiện quyền con người nhất thiết phải xóa bỏ tận gốc mọi hình thức áp bức, bóc lột, nô địch đối với con người thông qua quyền dân tộc tự quyết, khẳng định chủ quyền quốc gia; sự bình đẳng, phát triển trong quan hệ quốc tế. Điều này đã được Hồ Chí Minh luận giải bằng cả lý luận và thực tiễn, bằng cuộc đời và sự nghiệp của Người.

    Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển từ giá trị truyền thống của dân tộc, gắn liền với quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam và thế giới trong thế kỷ XX. Bên cạnh lòng yêu nước, thì quyền con người được Hồ Chí Minh tiếp cận ngay từ khi còn nhỏ, đi học, với những từ “tự do, bình đẳng, bác ái” được thực dân Pháp dùng để “khai hóa” văn minh ở Việt Nam. Bằng những gì mắt thấy, tai nghe, những gì mà Hồ Chí Minh đã chứng kiến thông qua sự cai trị của thực dân ở đất nước của Người đều trái ngược với “tự do, bình đẳng, bác ái”. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chí Minh quyết tâm ra đi tìm hiểu “phương Tây”, tìm đường cứu nước. Và cuộc “Hành trình khát vọng” của Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh bắt đầu từ tháng 6/1911. Trong cuộc hành trình ấy, Người không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hóa - tư tưởng của nhân loại. Người đã tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết tiến bộ của nhân loại để tích lũy tri thức, kinh nghiệm, đấu tranh, tìm ra đường đi đúng đắn cho dân tộc mình, trong đó có quyền con người, tất cả vì con người. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đầu tiên con người được sinh ra muốn tồn tại và phát triển trước hết phải được khẳng định những quyền tự nhiên như: Quyền sống, quyền tự do, quyền ăn, quyền ở…, tiếp đó là quyền công dân và quyền dân tộc được gắn kết trong một chỉnh thể thống nhất và được bảo đảm trên thực tế.

    Trong khoảng thời gian 9 năm đầu (1911 - 1919), Hồ Chí Minh đi hầu hết các nước tư bản phát triển của châu Âu, châu Mỹ và Người đã nhận ra những gì ẩn giấu đằng sau các từ “tự do, bình đẳng, bác ái” ấy chỉ là sự che đậy tính chất dã man, tàn bạo, cùng đầy rẫy những quan hệ phi nhân tính của đế quốc tư bản; ở đâu đâu những người lao động nghèo khổ, bần cùng cũng là bạn bè, anh em, đồng chí của nhau, họ phải được tập hợp lại, chủ động đấu tranh. Người khẳng định: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”[1].

    Sau này, Người kể lại: “Vào trạc tuổi 13, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Pháp: “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Thế là tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”. Vì thế tôi nảy sinh ý muốn sang xem “mẫu quốc” ra sao và tôi tới Pari”[2]. Cuộc hành trình vạn dặm ấy đã giúp Người nhận ra cội nguồn mọi sự đau khổ của nhân loại cần lao ở ngay những nước chính quốc, ở những nước tư bản, ở đó quyền cơ bản của con người luôn bị chà đạp, sự hô hào “tự do, bình đẳng, bác ái” chỉ là lừa mị mà thôi. Và cũng từ đó, khát vọng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh được gắn liền với thực hiện quyền con người, tất cả vì con người trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Tiếng vang lớn đầu tiên, đó là Bản yêu sách của nhân dân An Nam, với 8 điểm, đòi quyền dân tộc tự quyết gửi đến Hội nghị Véc - xây của các nước đồng minh thắng trận sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất tháng 6/1919, Bản yêu sách viết: “Trong khi chờ đợi nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thực sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông Pháp, xin trình bày với các quý Chính phủ Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng những Yêu sách khiêm tốn sau đây: Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt luật pháp như người châu Âu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam; Tự do báo chí và tự do ngôn luận; Tự do lập hội và hội họp; Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương; Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ; Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”. Đây chính là những nội dung đấu tranh chính trị đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau 9 năm bôn ba tìm đường cứu nước, thể hiện tính pháp lý gắn liền với quyền dân tộc tự quyết, quyền con người của nhân dân An Nam.

    Bằng nhãn quan chính trị thiên tài, tri thức uyên bác, nghị lực phi thường, đến năm thứ 10 của cuộc “Hành trình khát vọng” (7/1920), Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tìm thấy Chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó chính là: Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin, một chủ nghĩa mà ở đó vạch ra con đường giải phóng cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động bị đọa đày trên thế giới: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi và sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là con đường giải phóng cho chúng ta. Từ đó tôi tin theo Lênin và Quốc tế thứ ba”[3]. Tin tưởng và hoạt động, tiếp biến và vượt gộp con đường giải phóng đã chọn, bằng ngòi bút “chiến sĩ cộng sản”, Người sáng lập các tờ báo “Người cùng khổ” (1922), “Việt Nam hồn” (1923), tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (1925)… Như vậy, ngay từ những năm tháng đầu tiên đầy khổ ải và những hoạt động đấu tranh chính trị, xã hội của mình không chỉ đã làm cho tinh thần yêu nước Hồ Chí Minh gắn một cách tự nhiên với tinh thần quốc tế vô sản, mà Người luận giải một cách sâu sắc vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Người kết luận: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân trên thế giới”, “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[4]. Kể từ đó, Hồ Chí Minh nhanh chóng vạch ra con đường giải phóng cho nhân dân mình, Tổ quốc mình. Đó chính là “Đường Kách mệnh”, tác phẩm thể hiện minh triết Hồ Chí Minh, là văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng ta, chứa đựng đường lối giải phóng và đi lên của cách mạng Việt Nam. “Đường Kách mệnh”, một nền móng vững trải, không chỉ đặt cơ sở tư tưởng, đường lối chính trị giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn mang tầm vóc lớn về xây dựng tư cách con người cách mạng, một Đảng mácxit vì sự nghiệp giải phóng con người, tất cả vì con người.

    Mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc chỉ có thể thực hiện được phải bắt đầu từ giải phóng con người về chính trị khỏi sự áp bức dân tộc, tới giải phóng con người về xã hội khỏi sự thống trị giai cấp, đến giải phóng toàn diện và triệt để đối với con người là tư tưởng xuyên suốt, cốt lõi trong lý luận và thực tiễn hoạt động của Hồ Chí Minh.

    Trước câu hỏi một nhà báo nước ngoài trong những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Trong cuộc đời của Chủ tịch, đâu là điều quan trọng nhất? Hồ Chủ tịch trả lời: “Độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho dân tộc và nhân dân tôi, hạnh phúc cho đồng bào tôi, đó là tất cả những gì tôi muốn, đó là tất cả những gì tôi hiểu”. Sau đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến toàn thể quốc dân đồng bào: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[5], Thông điệp trở thành ngọn cờ chiến đấu, chiến thắng của dân tộc và không chỉ là ước muốn mà còn là mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.


Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Sau 15 năm đấu tranh giành độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Hồ Chí Minh, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời bằng một bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, áng văn chính trị thiên tài, Hồ Chí Minh hùng hồn tuyên bố trước thế giới ngày 2/9/1945. Mở đầu bản Tuyên ngôn độc lập là hai câu được Bác trích dẫn từ “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ (1776) và “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” của cách mạng Pháp (1791) đề cập đến quyền tự nhiên, bất khả xâm phạm của con người, đó là: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển và khẳng định chân lý vĩnh hằng “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Đó là một điều không ai chối cãi được. Và kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một cách đanh thép, đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, khẳng định quyền bất khả xâm phạm đối với quyền tự do, chủ quyền của một dân tộc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Bản Tuyên ngôn độc lập đánh dấu một kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam -  kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Tuyên ngôn độc lập không chỉ là quyết tâm chính trị của Việt Nam - Hồ Chí Minh mà còn là hòn đá tảng pháp lý khẳng định cả trong tư tưởng, chính trị và trên thực tế về quyền con người trong độc lập, tự do của một dân tộc.

    Thực tiễn xã hội loài người cho thấy, không phải sự phát triển nào cũng đem lại sự tiến bộ xã hội, bảo đảm quyền cơ bản của con người. Đối với Hồ Chí Minh thì mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người, tự do cá nhân và giải phóng xã hội, tạo cơ sở, điều kiện cho các lực lượng tiến bộ xã hội phát triển, thì trước hết phải giải phóng toàn diện cá nhân, tạo cho họ có khả năng, cơ hội phát triển trên cơ sở bảo đảm quyền độc lập, tự do của dân tộc. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX, tổ chức UNESCO (tổ chức Khoa học và Giáo dục, Liên hợp quốc) chính thức công nhận Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, và khẳng định: “…Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hoá hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau…”.

    Cốt lõi của văn hoá là đạo đức và đạo đức là cốt lõi của con người. Bàn về văn hoá, chỉ giáo về đạo đức, chính là để nói đến con người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết: “Trong luận điểm về cách mạng của Hồ Chí Minh trung tâm là luận điểm về con người. Đối với Hồ Chí Minh, mục tiêu, cứu cánh, phương tiện và động lực cách mạng đều ở trong con người”[6]. Vì thế, Hồ Chí Minh nhấn mạnh sự cần thiết vũ trang cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc ta những giá trị đạo đức mới để làm nên cuộc đổi đời lịch sử.

    Thực hiện lời hiệu triệu: Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập. Ngay đầu năm 1946, thực hiện quyền con người, quyền công dân của một nước độc lập, Chính phủ của Hồ Chí Minh tổ chức ngay cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; kế theo đó Hồ Chí Minh đã soạn thảo và công bố Bản Hiến pháp đầu tiên (1946). Hiến pháp - một bước nhảy vọt trong đời sống chính trị của dân tộc Việt Nam và lịch sử lập pháp Việt Nam khi lần đầu tiên một thiết chế Nhà nước dân chủ  được tổ chức trên một nền tảng chính trị, pháp lý theo quan điểm, nguyện vọng và mục tiêu của toàn dân được ghi nhận trong đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước. Kể từ đó đến nay, Nhà nước ta đã 4 lần sửa đổi, bổ sung, ban hành Hiến pháp (1959, 1980, 1992 và 2013). Trong các bản Hiến pháp luôn chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo thực tiễn Việt Nam và xu thế thế giới về quyền con người; đặc biệt kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, tất cả vì con người, cấu thành Hiến pháp. Hiến pháp 1946 hiến định: “Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo (Điều 1). Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá (Điều 6). Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; Tự do xuất bản; Tự do tổ chức và hội họp; Tự do tín ngưỡng; Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc hạn chế; trách nhiệm của Nhà nước trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân; sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn đổi mới và chuẩn mực quốc tế về quyền con người: Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện (Điều 3); Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (Điều 9).

Nguyễn Xuân Định - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.298

[2] Nguyễn Bá Linh, Tư tưởng Hồ Chí Minh: Một số nội dung cơ bản, Nxb CTQG Sự thật, HN.1994, tr.37

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.562.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.314

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2010, t.4, tr. 187

[6] Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh một con người một dân tộc một thời đại một sự nghiệp, Nxb ST, H.1990, tr.28



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 29
  • Hôm nay: 6204
  • Trong tuần: 76,911
  • Tất cả: 11,800,231